Bài viết

10 nguyên nhân và cách xử lý lan hồ điệp bị vàng lá chuẩn không cần chỉnh

Lan hồ điệp bị vàng lá là tình trạng nhiều người trồng hoa gặp phải, cùng tìm hiểu cách xử lý khi lan hồ điệp bị vàng lá nhé.

Lan hồ điệp là một loài hoa đẹp, đa dạng và có nhiều ý nghĩa sâu sắc được rất nhiều người chơi hoa yêu thích. Trong quá trình nuôi trồng và chăm sóc lan hồ điệp, bạn sẽ gặp phải rất nhiều vấn đề không mong muốn và phải có cách xử lý kịp thời, đúng kỹ thuật thì mới có thể giúp cây ổn định và phát triển mạnh mẽ, cho hoa đúng thời gian với hoa to, đẹp, rực rỡ nhất có thể được. Một trong số những vấn đề luôn khiến cho người chơi hoa phải đau đầu đó chính là việc lan hồ điệp bị vàng lá. Để có cách xử lý trong tình huống này, trước hết bạn phải tìm hiểu được nguyên nhân chính xác khiến cho chậu lan hồ điệp của mình bỗng dưng vàng lá. Sau khi xác định được nguyên nhân rồi thì bạn mới có thể áp dụng các biện pháp xử lý “chuẩn không cần chính” cho từng nguyên nhân cụ thể.
Ngay sau đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về 10 nguyên nhân chính khiến cho chậu lan hồ điệp của bạn bị vàng lá và cách xử lý đối với từng nguyên nhân nhé.

Lan hồ điệp bị vàng lá do bạn bón phân quá nhiều

Trong quá trình chăm sóc lan hồ điệp, nhiều người cứ nghĩ cần phải cung cấp thật nhiều dưỡng chất thì cây mới phát triển tươi tốt và có sức sống mạnh mẽ được. Nhưng trên thực tế, đó là quan điểm hết sức sai lầm, bởi việc bón phân cho lan hồ điệp cần phải phù hợp với những giai đoạn phát triển của cây chứ không phải bón càng nhiều càng tốt.
Triệu chứng của lan hồ điệp khi bạn bón phân quá nhiều, vượt mức nhu cầu của cây thì lá sẽ bị vàng bất thường, các vết vàng loang lổ, cả những lá non mới ra cũng sẽ bị vàng. Việc lan hồ điệp bị vàng lá do bón nhiều phân có các triệu chứng khá giống với việc bị vàng lá do tưới nhiều nước nếu bạn chỉ nhìn sơ qua ban đầu. Còn nếu quan sát thật kỹ thì sẽ phát hiện ra những điểm khác biệt giữa vàng lá do hai nguyên nhân trên.
Cách xử lý:
Nếu chậu lan hồ điệp của bạn chẳng may bị vàng lá do bón phân nhiều thì bạn cần xử lý ngay bằng cách mua thuốc B12 của gia cầm về, sau đó pha loãng với tỷ lệ cứ 1 ml B12 lại pha với 2 lít nước rồi phun cho lan hồ điệp 3 ngày một lần. Chỉ cần phun đến khoảng lần thứ 3 là cơ bản vấn đề sẽ được xử lý, lá cây trở lại bình thường.
Ngoài cách trên thì bạn còn có thể sử dụng 1 lá nha đam to bằng kích thước bàn tay, sau đó cắt nhỏ, xay nhuyễn bằng máy xay rồi lọc lấy nước cốt pha chung 4 lít nước để tưới cho lan hồ điệp bị vàng lá cũng rất tốt.
Đồng thời, bạn cần lưu ý lại về việc bón phân cho lan hồ điệp, chỉ bón theo hướng dẫn và bón tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển của cây, tránh lạm dụng phân bón quá liều lượng nhé.

Lan hồ điệp có dấu hiệu bị vàng lá do tưới quá nhiều nước

Không chỉ do bón phân quá nhiều mà ngay cả khi bạn tưới nhiều nước cũng có thể khiến cho lá của lan hồ điệp bị vàng. Nếu là do nguyên nhân này thì các dấu hiệu gặp phải sẽ là lá vàng nhăn nheo, rễ cây mềm và ngả sang màu nâu. Tưới nhiều nước còn có thể khiến cho rễ cây bị thối và chết nhanh chóng do cây không thể hấp thụ được nước và các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển nữa.
Lan hồ điệp tuy rất cần nước nhưng cũng chỉ cần một lượng nước vừa đủ để đảm bảo độ ẩm cho sự phát triển. Bạn chỉ nên tưới nước cho cây khi thấy giá thể đã khô thôi, tránh lạm dụng nước trong quá trình nuôi trồng lan hồ điệp bạn nhé.
Cách xử lý:
Trong trường hợp lan hồ điệp bị vàng lá do tưới quá nhiều nước khiến cây bị ngập úng, thối rễ thì tốt nhất là bạn phải thay ngay chậu mới. Sau đó, bạn dùng dao, kéo đã khử trùng để cắt bỏ hoàn toàn những chiếc lá cây đã bj vàng, mềm, thối trong trường hợp bị nặng, còn nếu nhẹ thì cắt bỏ phần vàng, thối lui vào phía trong tầm khoảng 2 phân là được.

Lá lan hồ điệp bị vàng do cháy lá

Lan hồ điệp là loài cây ưa ánh sáng nhưng không chịu được nhiệt khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Nếu bạn treo lan hồ điệp ở bên ngoài mà không che chắn bằng lưới, để cây chịu tác động của ánh nắng trực tiếp sẽ dẫn đến tình trạng bị cháy lá. Lúc này, lá cây sẽ xuất hiện các dấu hiệu bị vàng, thậm chí nặng hơn nữa là bị cháy xém một phần lá.
Cách xử lý:
Việc cần làm khi lá lan hồ điệp bị vàng do cháy lá là bạn phải di chuyển chậu cây vào vị trí mát hơn ngay lập tức, đó là những nơi có mái che giúp cây dần phục hồi và không tiếp tục bị cháy lá ở những phần lá non ra sau.
Song song với đó, bạn cần bổ sung thêm nước và các dưỡng chất cần thiết cho cây, mục đích là để kích thích rễ cây phát triển mạnh mẽ hơn và có khả năng chống chọi lại điều kiện sống khắc nghiệt.

Lan hồ điệp bị vàng lá do nhiệt độ cao

Không khác gì với hầu hết các giống lan đơn thân khác, lan hồ điệp cũng là loài cây ưa sống trong điều kiện môi trường ẩm ướt. Trong môi trường tự nhiên, lan hồ điệp thường phát triển mạnh mẽ ở dưới những tán cây lớn trong rừng, nơi có điều kiện luôn luôn ẩm và mức hấp thụ nhiệt ít. Do đó, nếu bạn trồng lan hồ điệp ở những nơi có nhiệt độ cao mà lại không cung cấp đủ nước cho cây sẽ khiến nó phát triển chậm, phát triển kém. Trường hợp xấu nhất là làm cho lá lan hồ điệp bị vàng, sau đó rụng dần và làm giảm sức sống của cây.
Nguyên nhân lá lan hồ điệp bị vàng do nhiệt độ cao thường xuất hiện ở các nhà phố, nơi người ta thường tận dụng sân thượng để trồng lan mà vị trí này lại thường có mức nhiệt cao làm giảm quá trình trao đổi chất của cây, khiến cây bị sốc nhiệt và toàn bộ phần lá sẽ dần chuyển sang màu vàng và nhăn nheo. Nếu không khắc phục sớm thì nguy cơ lan hồ điệp bị chết là rất cao.
Cách xử lý tối ưu nhất trong trường hợp này là bạn phải sớm đưa ra giải pháp mới cho khu vườn của mình, tuyệt đối không đặt chậu lan hồ điệp ở những nơi có mức nhiệt quá cao nhé.

Lan hồ điệp có lá bị vàng do thay đổi môi trường đột ngột

Với những chậu lan hồ điệp được vận chuyển đi từ vùng này sang vùng khác với các yếu tố môi trường khác nhau thì việc bị vàng lá do bị sốc khi môi trường thay đổi đột ngột là điều rất tự nhiên và bình thường. Trên thực tế, khi môi trường sống bị thay đổi, lan hồ điệp sẽ phản ứng lại với điều đó bằng cách vàng lá, rụng lá hoặc nở hoa. Do đó, bạn nên hạn chế di chuyển lan hồ điệp sang những môi trường khác biệt.
Cách xử lý:
Còn trong trường hợp bắt buộc phải di chuyển thì bạn cũng đừng nên lo lắng quá, hãy cứ chăm sóc tốt cho chậu lan hồ điệp của mình một cách bình thường để cây làm quen dần dần với môi trường mới, từ đó hình ảnh khả năng tự thích ứng và phát triển mạnh mẽ trở lại.
Ngoài ra, khi mới mua một chậu lan hồ điệp về nhà, bạn nên thay chậu mới cho chúng ngay. Trước khi chuyển chậu thì bỏ bớt dớn ra ngoài, xử lý sạch sẽ những phần rễ bị thối, hỏng.

Lan hồ điệp bị vàng lá và rụng tự nhiên

Nếu bỗng dưng một ngày mà chậu lan hồ điệp của bạn bị vàng lá rồi rụng lá mặc dù bạn đã chăm sóc rất kỹ càng và cẩn thận thì cũng đừng quá lo lắng bởi có thể nguyên nhân là do quy luật tự nhiên đấy.
Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, những chiếc lá lan hồ điệp già sẽ vàng đi và rụng để nhường chỗ cho những chiếc lá non mới hoặc nhường chỗ cho ngồng hoa. Lúc đó, các dưỡng chất trong cây sẽ được sử dụng tập trung cho sự phát triển của lá mới và hoa, còn các lá già không được cung cấp đủ dinh dưỡng nên sẽ tự khắc bị héo úa rồi rụng một cách tự nhiên.

Lá lan hồ điệp bị vàng do nhiễm nấm khuẩn

Khi chăm sóc lan rất kỹ mà cây vẫn bị vàng lá thì bạn hãy kiểm tra bộ rễ nhé. Nếu rễ cây khô, không phát triển thì lá cây không được cung cấp đủ nước, chất dinh dưỡng sẽ tự khắc vàng, cây sẽ trút bỏ hết phần lá để tập trung nuôi dưỡng phần thân.
Trên thực tế, nếu chậu lan hồ điệp của bạn để ở nơi ẩm ướt và không thoáng gió thì rất dễ bị nhiễm bệnh bởi đó là môi trường thuận lợi cho sự sinh sôi và phát triển của các loại nấm khuẩn. Đặc biệt, rễ cây lại là bộ phận dễ bị nấm khuẩn tấn công nhất, và kết quả thể hiện qua việc lá cây bị vàng.
Cách xử lý:
Trong trường hợp này, bạn phải cắt bỏ hết phần lá vàng ngay lập tức rồi xử lý cây bằng thuốc trị nấm mốc, đồng thời cách ly toàn bộ những chậu lan hồ điệp bị vàng lá do nhiễm nấm khuẩn để tránh lây lan mầm bệnh cho các chậu lan khác trong vườn.

Lan hồ điệp xuất hiện vàng lá do mắc bệnh thối nhũn

Lan hồ điệp mắc các bệnh nhũn lá, đốm nấu do vi khuẩn, biểu hiện là các vết ướt trên lá nếu không được xử lý kịp thời sẽ khiến cho toàn bộ lá trên cây bị vàng, thối nhũn, hư hỏng, kể cả những chiếc lá non mới ra.
Cách xử lý:
Khi phát hiện chậu lan của mình bị nhiễm bệnh thì bạn cần xử lý ngay khi cây mới bị và bị nhẹ. Bạn xử lý bằng cách cắt bỏ lá thối nhũn, sau đó rắc bột quế lên các vết cắt để khử trùng và diệt khuẩn, đồng thời xịt thuốc diệt trừ mầm bệnh nhưng thuốc Antracol và Staner khắp cả cây, cả vườn nhé.

Lan hồ điệp bị vàng lá do thiếu dưỡng chất

Một nguyên nhân thường gặp nữa khiến cho lá cây lan hồ điệp bị vàng là do cây thiếu chất dinh dưỡng. Đây là tình huống mà đại đa số những người mới chơi lan đều mắc phải bởi chưa biết cách chăm sóc tốt nhất cho cây, không cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây phát triển.
Cách xử lý:
Lá cây lan hồ điệp bị vàng thường do thiếu chất kẽm, mangan, sắt… Do đó, bạn cần bổ sung thêm các chất này để khắc phục sớm nhất tình trạng vàng lá ở lan hồ điệp.
Chất lượng giá thể không tốt khiến lá lan hồ điệp bị vàng
Chất lượng giá thể không tốt sẽ tạo môi trường sinh trưởng không tốt cho cây lan hồ điệp. Ví dụ như những giá thể làm từ than củi, vỏ thông có khả năng ngậm muối trong suốt quá trình gắn bó với cây, có thể gây nên tình trạng vàng lá, thậm chí là khiến cho rễ cây, thân lan bị thối nhũn.
Cách xử lý:
Trong trường hợp này, cách xử lý tốt nhất là bạn phải xử lý giá thể trước khi trồng lan hồ điệp, đồng thời tìm cách loại bỏ lượng muối là giá thể ngậm, có thể dùng cách tưới nước ướt đẫm cho cây vào định kỳ hang tuần.
Trên đây là những nguyên nhân thường gặp nhất khiến cho lan hồ điệp bị vàng lá. Hy vọng những cách xử lý đi kèm sẽ giúp bạn nâng cao kiến thức, học hỏi kinh nghiệm thực tế để chăm sóc tốt hơn cho chậu lan hồ điệp của mình.
 
 
Bài viết liên quan