Bài viết

Bật mí cách chăm sóc lan hồ điệp đang ra hoa chính xác cho hoa nở đẹp nhất

Cách chăm sóc lan hồ điệp đang ra hoa phải chuẩn thì chậu cây của bạn mới phát triển tốt và ra hoa trong mùa sau.

Chơi lan hồ điệp là một thú chơi hoa đang rất phổ biến hiện nay mà ai cũng yêu thích bởi loài hoa này không chỉ đẹp một cách đặc biệt mà còn mang nhiều ý nghĩa phong thủy nữa. Với một chậu lan hồ điệp chất lượng, bạn không chỉ có thể chơi được một mùa mà có thể chơi cả nhiều mùa hoa sau đó, chỉ cần biết cách chăm sóc cây sau khi hoa tàn và thạo cách chăm sóc lan hồ điệp đang ra hoa là được.
Sau một thời gian chăm sóc công phu, chậu lan hồ điệp của bạn sẽ bắt đầu nhú ngòi trở lại và các ngồng hoa bắt đầu hiện dần ra báo hiệu một mùa hoa nữa sắp đến. Trong giai đoạn này, cách chăm sóc cây của bạn sẽ quyết định đến việc cây có cho nhiều hoa không, hoa nở có to và rực rỡ hay không, đặc biệt là màu hoa có sắc nét không. Do đó, bạn cần phải tìm hiểu về cách chăm sóc lan hồ điệp đang ra hoa, xem giai đoạn này cây cần được bổ sung những dưỡng chất gì và điều kiện chăm sóc ra sao cho tốt nhất nhé.

Khi nào lan hồ điệp ra hoa trở lại?

Sau mỗi mùa hoa, chậu lan hồ điệp của bạn sẽ bước vào trạng thái ngủ đông, không ra hoa trong khoảng 6 -9 tháng. Đó là thời gian mà cây sẽ bước vào thời kỳ nghỉ ngơi sau khi nở hoa, đồng thời bù đắp lại phần năng lượng đã bị tiêu tốn trong quá trình nở hoa, lưu trữ nước và các chất dinh dưỡng trong thân, lá để chuẩn bị cho kỳ phát triển và ra hoa tiếp theo. Bởi để nở hoa và cho những bông lan hồ điệp to đẹp, rực rỡ thì cây sẽ phải tiêu tốn rất nhiều năng lượng.
Sau khi ngủ đông xong, chậu lan của bạn hoàn toàn có thể tự mọc hoa trở lại ở những phần nút hình tam giác phân bố dọc trên thân cây. Tuy nhiên, để hoa nở nhiều, to và đẹp hơn thì cây vẫn cần có sự chăm sóc đặc biệt hơn cách bình thường, từ việc cắt tỉa, tưới nước, bón phân cho tới việc tạo môi trường nhiệt độ, ánh sáng thuận lợi cho cây phát triển.

Cách chăm sóc lan hồ điệp đang hoa ra

Như đã nói, khi lan hồ điệp bước sang giai đoạn ra ngòi và bung nụ sau thời kỳ ngủ đông thì giai đoạn này cây cần được bổ sung thêm nhiều dưỡng chất cần thiết để chuẩn bị cho thời kỳ ra hoa tiếp theo. Bạn có thể bổ sung dưỡng chất cho cây bằng cách dùng phân bón vô cơ hoặc hữu cơ đều được.
- Các loại phân bón vô cơ: phân bón lá. Thông thường dùng các loại phân bón lá với tỷ lệ đạm – lân – kali là 30-10-10 là tỷ lệ thông dụng nhất nhưng trong giai đoạn này, do cây cần rất nhiều dinh dưỡng nên tỷ lệ hàm lượng các chất cần thay đổi theo tỷ lệ 10-30-10 hoặc 6-30-30 để bổ sung nhiều lân cho cây phát triển. Tuy nhiên, nếu không muốn đổi loại phân, muốn dùng phân bón chung cho các loại cây thì bạn cũng có thể dùng phân bón với hàm lượng 20-20-20 cũng được. Phân được pha với nước theo liều lượng nhất định rồi xịt lên lá.
- Các loại phân bón hữu cơ: phân thỏ, phâ dê đã để hoại, nước ngâm bánh dầu, vỏ đậu phộng đã xử lý vi sinh, nước vo gạo…được sử dụng với liều lượng và cách thức phù hợp.
Lưu ý khi chọn mua phân bón vô cơ, bạn cần chọn loại có chữ +TE trên bao bì vì đó là một loại vi lượng được các nhà sản xuất bổ sung vào thành phần của phân bón cho cây. Tuy hàm lượng vi lượng này không nhiều nhưng thực sự rất cần thiết cho chậu lan hồ điệp trong giai đoạn ra hoa trở lại. Ngoài ra còn có một số loại phân tan chậm mà bạn có thể dùng để cho vào gốc lan, để hạt phân cách gốc từ 1 – 1,5 đốt ngón tay. Loại phân này thường được đóng gói dạng túi lưới nhỏ tránh cho phân bị rơi vãi ra bên ngoài.
Trong cách chăm sóc lan hồ điệp đang ra hoa, không chỉ có mỗi việc bón phân là quan trọng mà yếu tố tưới nước hay môi trường ánh sáng cũng hết sức cần thiết nên bạn phải thực sự chú trọng đến khâu tươi nước và lựa chọn vị trí đặt chậu lan hồ điệp cùa mình.
- Về việc tưới nước: chậu lan quá khô sẽ khiến lá bị héo và ngồng hoa mới ra bị hư hỏng, còn nếu chậu lan quá ướt, quá nhiều nước thì cây cũng sẽ bị úng và thối lá.
- Về ánh sáng: lan hồ điệp là loài cây cần nhiều ánh sáng nhưng không được treo ở vị trí có quá nhiều nắng, đặc biệt là ánh nắng trực tiếp gay gắt của mặt trời sẽ làm cháy lá cây. Thông thường, bạn sẽ phải treo những chậu lan hồ điệp ở dưới một lớp lưới để mức độ nắng giảm còn khoảng 65 – 70% là phù hợp. Theo kinh nghiệm của các chuyên gia và lan hồ điệp thì ngay cả giai đoạn cây ra nụ và nở hoa trở lại thì bạn cũng nên giữ cây ở điều kiện ánh sáng cũ, không cần phải thay đổi nhiều, trừ trường hợp bạn có một vị trí đẹp hơn để chưng hoa. Tránh trường hợp cây đang phát triển tốt nhưng bạn lại thay đổi vị trí khiến cho điều kiện sống thay đổi đột ngột và cây không thể nuôi được những chuỗi hoa dài tối đa, thậm chí còn làm hư nụ hoa đang ra.
Trong giai đoạn chăm sóc lan hồ điệp đang ra hoa, bạn nên ngưng việc sử dụng các loại thuốc diệt nấm mà vẫn sử dụng định kỳ trước đó bởi các loại thuốc này có khả năng làm ảnh hưởng đến nụ lan hồ điệp. Tuy nhiên, nếu tình trạng nấm bệnh của cây diễn biến nặng thì vẫn cần xịt thuốc theo thực tế.
Bạn thấy không? Việc chăm sóc lan hồ điệp trong giai đoạn ra hoa cũng không quá khó, bạn chỉ cần áp dụng đúng các yếu tố trên và chú ý quan sát cây hằng ngày để theo dõi và có hướng xử lý với những trường hợp phát sinh là được nhé.

Một số lưu ý khi chăm sóc chậu lan hồ điệp

Với chậu lan hồ điệp đang ra nụ

Nếu bạn rước về nhà một chậu lan hồ điệp đang ra nụ mà muốn kìm hãm thời gian hoa nở để duy trì hoa nở lâu tàn hơn thì cần để cây vào chỗ mát, tránh ánh nắng mặt trời. Còn nếu vẫn muốn hoa nở nhanh để chơi hoa đúng dịp thì hãy làm ngược lại, đặt chậu cây ở nơi ấm hơn, nhiều ánh sáng.
Trong thời gian chăm sóc chậu lan hồ điệp đang nụ, bạn không cần bón phân nhiều, hoặc có thể bón phân NPK có tỷ lệ 6-30-30. Bổ sung nhiều lân và kali sẽ giúp nụ và hoa sau khi nở được to và có màu sắc sặc sỡ. Ngoài ra, bạn còn có thể dùng thuốc Vi Trung lượng tuy chỉ cần một lượng nhỏ nhưng sẽ giúp nụ và hoa lan hồ điệp to đẹp và rực rỡ hơn rất nhiều so với việc không sử dụng.
Về việc tưới nước, nếu muốn hoa nở nhanh thì bạn tưới thêm nước thường xuyên hơn, còn nếu muốn kìm tốc độ nở của lan hồ điệp thì bạn không nên tưới nhiều nước đâu nhé.
Trong giai đoạn chậu lan ra nụ, bạn không cần phun thuốc diệt nấm, thuốc diệt khuẩn sẽ vô tình làm cho nụ hoa bị khô, héo và rụng. Chỉ cần để cây phát triển bình thường hoặc có thể phun thêm thuốc giúp xua đuổi các loại côn trùng như nhện, kiến… để bảo vệ nụ và hoa.

Lưu ý khi chăm sóc lan hồ điệp đang ra hoa

- Chậu lan hồ điệp đang ra hoa sau khi mua về cần để ngay vào nơi râm mát, tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
- Không để lan hồ điệp ở nơi có nhiều gió to sẽ khiến hoa bị mất nước và rất dễ bị rụng.
- Không tưới nước cho chậu lan hồ điệp quá nhiều hay quá ít mà nên tưới ở mức trung bình. Việc cung cấp quá nhiều nước vừa khiến cho chậu lan dễ bị úng thối, lại vừa kích thích cho hoa lan hồ điệp nhanh nở cũng nhanh tàn.
- Không nên phun thuốc diệt khuẩn, diệt nấm cho những chậu lan hồ điệp đang ra hoa vì các loại thuốc này sẽ làm cây dễ bị nóng, đồng thời hoa mau tàn, dễ rụng, trừ những trường hợp đặc biệt.
- Không nên bón phân NPK nhiều đạm cho cây vì đạm sẽ kích thích cây ra nhiều mầm non, sinh ra nhiều cây con chứ không có tác dụng nuôi dưỡng hoa, thậm chí còn khiến hoa nhanh tàn hơn để cây bước sang giai đoạn sinh mầm.
- Nên bón cho cây các loại vi trung lượng như canxi bo, sữa Thái vì đây là những khoáng chất giúp cuống hoa cứng hơn, khó rụng hơn và màu sắc hoa cũng tươi và sắc nét hơn.

Một số kỹ thuật và câu hỏi thường gặp

Phương pháp cắt ngồng hoa

Việc cắt ngồng hoa sau khi hoa tàn nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất cho lan hồ điệp ra hoa trở lại là hết sức quan trọng, bạn có thể áp dụng phương pháp sau:
- Với hoa lan hồ điệp đơn (1 cành): Bạn tìm nút hoa nở nằm ở vị trí thấp nhất rồi cắt bỏ ngồng hoa ở vị trí nằm cách trên nút hoa thấp nhất ấy khoảng 2,5cm.
- Với hoa lan hồ điệp kép (2 cành): Bạn cắt 1 cành ở gốc cây rồi xác định nút hoa nở thấp nhất ở cành còn lại, sau đó cắt bỏ ngồng hoa ở vị trí nằm trên nút hoa nở thấp nhất chừng 2,5cm.

Hoa lan hồ điệp có mọc lại nếu được bón phân?

Sau khi hoa tàn, mỗi tuần bạn hãy tưới phân cho cây bằng loại phân bón cân bằng 20-20-20 pha loãng với nước để đảm bảo cây nhận được đủ dưỡng chất cần thiết để ra hoa trở lại.

Tưới nước có giúp lan hồ điệp phục hồi?

Nước là yếu tố cần thiết để cây phục hồi và ra hoa trở lại, tuy nhiên, bạn không nên tưới nước cho lan hồ điệp vào những ngày đã bón phân, thay vào đó để vào chậu lan 3 viên đá lạnh để cung cấp nước mà không ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của lan hồ điệp sau này, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chăm sóc lan hồ điệp đang ra hoa.
Trên đây là những kiến thức và kinh nghiệm quý báu mà bất cứ ai chơi lan hồ điệp cũng nên tìm hiểu và trau dồi cho mình. Chơi lan sau khi hoa tàn là giai đoạn hết sức quan trọng bởi cách phục hồi “sức” cho cây, chăm sóc cây khi ra ngồng và nụ mới hay chăm sóc lan hồ điệp đang ra hoa là yếu tố quyết định đến việc chậu lan của bạn có tiếp tục phát triển và ra hoa trở lại to, đẹp, rực rỡ hơn hay không.
Bài viết liên quan
0932.928.929