Bài viết

Chăm sóc lan hồ điệp sau khi hoa tàn: Kinh nghiệm và phương pháp tối ưu nhất

Chăm sóc lan hồ điệp sau khi hoa tàn để cây phát triển tốt và ra hoa trở lại vào mùa sau là vấn đề được nhiều người quan tâm tìm hiểu.

Hiện nay, lan hồ điệp là một trong những loài hoa được trồng nhiều và ưa chuộng nhất ở Việt Nam. Nhờ vẻ đẹp sang trọng, tinh tế và cực kỳ tao nhã, lan hồ điệp đã và đang chiếm được cảm tình của rất nhiều người chơi hoa, từ những người chơi chuyên nghiệp cho tới cả những người chơi nghiệp dư. Không những thế, loài hoa này còn có sức sống mãnh liệt, thời gian nở lâu và giá trị kinh tế cao. Nếu biết cách chăm sóc lan hồ điệp sau khi hoa tàn thì chỉ với một chậu hoa ban đầu, bạn hoàn toàn có thể duy trì để cây tiếp tục nở hoa trong những mùa sau, giúp bạn chơi hoa trong một thời gian dài.
Hoa lan hồ điệp sau khi tàn thường bước vào giai đoạn lụi dần, thậm chí nhiễm các loại bệnh dẫn đến chết nếu như bạn không biết cách chăm sóc đúng kỹ thuật. Ngay trong nội dung bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm về kỹ thuật chăm sóc hoa lan hồ điệp nhé.

Tại sao cần phải chăm sóc lan hồ điệp sau khi hoa tàn?

Hoa lan hồ điệp thường được trồng để nở hoa chơi vào dịp Tết. Những chậu lan hồ điệp chơi Tết sẽ được ghép từ nhiều cây đơn khác nhau trong những chậu lớn và tạo thành những giò lan đẹp với nhiều sắc màu rực rỡ. Sau Tết, phần lớn hoa trên các cần lan đều héo và tàn dần, lúc này, lan hồ điệp cần được dỡ ra khỏi chậu, trồng lại riêng từng cây khác nhau để chăm sóc.
Tuy nhiên, trong những ngày sau Tết, các gia đình thường trở nên bận rộn hơn và quên đi việc phải chăm sóc giò lan của mình. Đó chính là lý do khiến lan hồ điệp bị chết hoặc lụi dần hoặc không thể phát triển.

Chăm sóc lan hồ điệp sau khi hoa tàn như thế nào?

Cắt bỏ phần ngồng hoa

Như đã nói, khi tàn, đa phần hoa trên các cần hoa sẽ bị héo và úa dần. Lúc này, bạn cần dùng kéo chuyên dụng hoặc một chiếc kéo thật sắc để cắt bỏ hết phần ngồng hoa đi. Vị trí cắt nên nằm cách mắt ngủ cuối cùng ở trên cần hoa khoảng 3cm, không nên cắt quá sát cần cuống sẽ khiến cho phần lá bị dập gãy và thân cây dễ bị thối.
Ở vị trí mắt ngủ còn lại, bạn hãy chấm thuốc atonic vào đó bằng cách sử dụng bông y tế tẩm thuốc atonic và đặt cố định vào chỗ mắt ngủ trong khoảng 1 tuần. Sau đó, bạn mở bông ra và đợi chừng 1 – 2 tháng là có khả năng ra cây con.

Xử lý phần lá cây

Không chỉ phải cắt bỏ phần ngồng hoa, bạn còn phải xử lý cả những lá cây héo, úa, dập nát hay bị nấm bệnh nữa. Để cắt bỏ lá cây, bạn sử dụng dao sắc hoặc dao lam. Với những lá cây bị úa vàng chưa quá 1/3 diện tích thì cố gắng giữ lại, chỉ cần bỏ phần úa chứ không cắt bỏ hết cả chiếc lá.
Riêng với những lá cây lan hồ điệp bị bệnh nhiều, có dấu hiệu bị nấm hay nhện loang rộng ở mặt sau lá thì cần cắt bỏ hoàn toàn để tránh mầm bệnh lây lan ra những những chiếc lá khác nhé.

Xử lý phần gốc và rễ cây

Trong cách chăm sóc lan hồ điệp sau khi hoa tàn, việc xử lý phần gốc cây và rễ đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Bạn cần quan sát kỹ rễ cây bởi đa phần những chậu lan hồ điệp được trồng theo kiểu công nghiệp đều sẽ bị rêu nước. Hơn nữa, khi chơi hoa trong dịp Tết thì người chơi hoa thường có xu hướng tưới nước nhiều, hay việc cắm que sắt để uốn và giữ hoa khi vận chuyển cũng sẽ làm cho rễ lan hồ điệp bị thối rất nhiều.
Nếu rễ cây vẫn còn xanh tươi, phần thô chiếm diện tích ít thì bạn hãy cố gắng giữ lại nguyên bầu, còn nếu rễ bị thối nhiều thì phải dùng kéo sắc để cắt sạch sẽ phần rễ thối để tránh lây lan sang phần rễ còn tươi xanh.
Sau khi cắt bỏ rễ thối, để chăm sóc lan hồ điệp sau khi hoa tàn tốt nhất, bạn cần dùng sơn móng tay hoặc vôi, hoặc các loại thuốc giúp làm liền da cây và bôi vào tất cả các vết cắt để rễ cây nhanh lành hơn. Sau đó, bạn đặt nguyên bầu cây lan hồ điệp trở lại vào chậu, buộc cố định gốc cây bằng dây để cây đứng chắc, không bị lung lay. Đồng thời đổ dớn cọng đã được làm sạch, xử lý chống nấm vào chậu lan hồ điệp, đổ với lượng vừa đủ, vừa đổ vừa vỗ nhẹ để nén chặt hơn. Lưu ý không đổ nhiều quá phủ kín cả gốc nhé vì cần phải quan sát sự phát triển của rễ cây nữa.

Bón phân cho lan hồ điệp

Chăm sóc lan hồ điệp mà bạn không chú trọng đến việc bón phân thì cây rất khó có thể lành lặn và phục hồi trở lại sau khi hoa tàn, đặc biệt là sau quá trình xử lý thì phần rễ cây đã bị cắt bỏ gần hết.
Chậu lan hồ điệp sau khi trồng trở lại thì bạn cần để cây ở những chỗ râm mát, có nhiều ánh sáng nhưng tránh ánh nắng trực tiếp của mặt trời, tránh mưa tuyệt đối. Sau khoảng 3 ngày thì bạn bắt đầu tưới nước cho cây. Lúc này, bạn cần tưới nước ướt đẫm toàn bộ chậu lan hồ điệp một lần nhé. Đó là kinh nghiệm của những người chơi lan hồ điệp lâu năm trong cách chăm sóc lan hồ điệp sau khi hoa tàn.
Để bón phân cho lan hồ điệp, bạn sử dụng phân bón B1 hoặc các loại thuốc kích thích tăng trưởng như K/H, Atonic… nhưng chỉ pha thật loãng theo tỷ lệ 1/2 thìa pha với khoảng 20 lít nước rồi dùng để phun sương ẩm cho cây hằng ngày.
Sau khoảng 1 – 2 tuần chăm sóc, tưới nước và bón phân, chậu lan hồ điệp mới của bạn sẽ nhú ra những đoạn rễ mới. Lúc này, bạn tiếp tục chăm sóc cho cây và đợi đến khi những chiếc rễ non ấy cắm chặt vào giá thể thì đổ thêm một lớp đất dinh dưỡng vào.
Cứ như thế thêm khoảng 1 – 2 tháng nữa thì chậu lan hồ điệp sẽ phục hồi và phát triển ổn định trở lại. Lúc đó, bạn sẽ tiến hành tưới nước và bón phân như bình thường nhé.

Một số lưu ý trong kỹ thuật chăm sóc lan hồ điệp sau khi hoa tàn

- Về chất trồng lan, đây là một vấn đề hết sức quan trọng. Tốt nhất là bạn nên rải thêm một lớp sỏi phía dưới đáy chậu để tránh việc rễ cây và cây bị úng nước. Sau đó mới tiến hành trồng lại lan hồ điệp vào phần xơ dừa mới sao cho phần xơ dừa này chiếm ngập khoảng 2/3 bộ rễ cây là được. Sau khi trồng, bạn nên sử dụng xốp để cố định cây trong chậu, thậm chí là buộc dây thật kỹ, tuyệt đối không để cây bị lung lay bởi như thế sẽ ảnh hưởng đến bộ rễ, làm chúng càng bị tổn thương và khó phục hồi hơn.
- Khi chăm sóc lan hồ điệp bước sang giai đoạn ổn định và phát triển trở lại thì bạn không nên tưới nước quá nhiều cho cây, chỉ tưới khi cảm thấy đất đã khô. Để kiểm tra độ ẩm của đất trong chậu, bạn có thể dùng tay và cảm nhận. Riêng với lan hồ điệp trong giai đoạn ra hoa thì bạn chỉ nên tưới nước vào buổi sáng mà thôi.
- Lưu ý đặc biệt khi tưới nước cho chậu lan hồ điệp: Chỉ tưới nước vào phần gốc cây, không phun nước lên lá cây hay cánh hóa. Bởi cánh hoa lan hồ điệp bị dính nước sẽ rất nhanh bị đốm và tàn. Còn lá cây bị đọng nước sẽ dễ bị thối lá. Nếu chẳng may để lá cây bị ướt trong quá trình tưới thì bạn cần phải dùng quạt để quạt cho khô nước trước khi trời tối nhé.
- Về nhiệt độ trong quá trình chăm sóc lan hồ điệp sau khi hoa tàn: mức nhiệt độ tốt nhất là từ 21 đến 32 độ C, không trồng cây ở mức nhiệt quá thấp, càng không để cây tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời sẽ khiến lá bị vàng cháy và nhanh tàn.
- Ngoài ra, trong quá trình trồng và chăm sóc cho lan hồ điệp, bạn cần phải thêm dưỡng chất cho cây bằng cách bón phân định kỳ 1 tuần một lần để cây khỏe mạnh và hoa thì lâu tàn hơn.

Cách kích hoa lan hồ điệp nở chơi vào dịp Tết

Trên thực tế, rất nhiều người biết cách chăm sóc lan hồ điệp sau khi hoa tàn nhưng không phải ai cũng biết cách trồng và chăm sóc sao cho hoa nở vào đúng dịp Tết chứ không phải trước hay sau những ngày lễ quan trọng này.

Thời gian kích hoa lan hồ điệp nở

Hoa lan hồ điệp cần khoảng thời gian 2 tháng từ khi nhú cần hoa cho tới khi hoa nở. Do đó, để hoa nở vào đúng dịp Tết thì bạn cần triển khai việc kích hoa nở từ trước 2 tuần. Bởi lan hồ điệp khá lâu tàn nên nếu kích nở trước 2 tuần thì vào đầu tháng giêng âm lịch là lúc mà hoa nở to và đẹp nhất.
Và để hoa nở trước 2 tuần như thế thì bạn cần chăm sóc và tiến hành các bước chuẩn bị vào giữa hoặc cuối tháng 9 âm lịch.

Cách kích hoa lan hồ điệp nở

Bước 1: Chọn hoa lan hồ điệp chơi Tết để kích nở
Để kích hoa nở chơi Tết, bạn nên chọn những chậu lan hồ điệp thuộc giống cây hoa to, trưởng thành. Hơn nữa nên chọn những chậu cây đã ra hết lá non và có từ 3 – 4 cặp lá.
Sau khi chọn được một chậu lan hồ điệp chơi Tết rồi thì bạn tách riêng chậu cây đấy ra một khu vực khác, tách biệt với những chậu cây còn lại để tiến hành chăm sóc theo chế độ riêng.
Bước 2: Cách bón phân kích thích hoa nở
Bón phân kích thích lan hồ điệp nở là một bước chuẩn bị vô cùng quan trọng trong cách chăm sóc lan hồ điệp sau khi hoa tàn. Để lan hồ điệp có thể nhú vòi hoa thì bạn cần cung cấp đủ dưỡng chất cho cây từ phân. Bạn nên dùng phân NPK 10-30-20 chứa hàm lượng Kali và Phốt pho cao để đảm bảo cây phát triển tốt nhất.
Trong giai đoạn 1, bạn trộn phân bón theo tỷ lệ cứ 1/2 hay 1 gam phân bón sẽ hòa với khoảng 2 lít nước rồi phun đều lên chậu hoa 4 lần một tuần. Sau khoảng 2 tuần thì bạn sẽ thấy được kết quả là những vòi hoa bằng hạt lúa bằng đầu nhú ra.
Ở giai đoạn 2, khi vòi hoa đã mọc ra dài chừng 2 – 3cm thì bạn chuyển qua bón phân NPK 15-20-30 với hàm lượng Kali cao, phun lên cây khoảng 1 lần một tuần để kích thích vòi hoa phát triển nhanh hơn nữa. Không những thế, loại phân bón này còn có tác dụng giúp cho màu sắc hoa sau khi nở được đẹp một cách sắc nét, hoa đồng thời ít bị thối và lâu tàn hơn rất nhiều đấy.
Cứ thế, sau khoảng 45 – 50 ngày chăm sóc lan hồ điệp sau khi hoa tàn và kích hoa nở theo phương pháp riêng thì vào khoảng đầu tháng 12 âm lịch, những bông hoa lan hồ điệp đầu tiên sẽ nở, và nở rộ đồng loạt vào khoảng giữa tháng chạp. Và nhờ đó, bạn sẽ có được một chậu lan hồ điệp tuyệt đẹp để thưởng hoa và chơi Tết rồi phải không nào!
Trên đây là một số kỹ thuật trong cách chăm sóc lan hồ điệp sau khi hoa tàn. Với những kỹ thuật này, bạn hoàn toàn có thể chăm sóc tốt nhất cho chậu lan hồ điệp mới của mình, giúp cây nhanh chóng phục hồi, ổn định, phát triển và ra hoa trở lại trong mùa sau. Đặc biệt chất lượng hoa và màu sắc cũng sẽ đạt đúng như kỳ vọng của bạn.
Bài viết liên quan
0932.928.929